Lượt xem: 363

Cần chủ động quản lý tốt diện tích tôm nguyên liệu

Tính đến thời điểm này, diện tích thả nuôi tôm nước lợ năm 2022 của tỉnh Sóc Trăng đạt khoảng 75% kế hoạch. Toàn tỉnh hiện có trên 27.000 ha diện tích tôm còn trên đồng và 25% diện tích chuẩn bị thả giống. Đây được xem là nguồn tôm nguyên liệu quan trọng phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh vào những dịp lễ, tết cuối năm. Tuy nhiên, phần diện tích này có nguy cơ rủi ro cao do tác động tiêu cực từ diễn biến thời thiết trong những tháng tới. Để nắm rõ hơn những khó khăn, thuận lợi và người nuôi tôm cần làm gì cho vụ nuôi năm nay, cộng tác viên Trang thông tin điện tử tổng hợp Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng trao đổi với Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng về vấn đề này.

 


Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng

 

    * Xin đồng chí thông tin thêm về tiến độ thả nuôi cũng như những khó khăn, thuận lợi của vụ tôm nước lợ năm nay?

    Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình: Tính từ đầu vụ đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi khoảng 37.000 ha tôm, diện tích thiệt hại đã ghi nhận là 1.500 ha. Mặc dù tình hình thiệt hại trên tôm nuôi vẫn đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý những khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với nghề nuôi tôm nước lợ năm nay. Thứ nhất, về tình hình thời tiết, hiện nay độ mặn đang xuống thấp. Nhìn chung, độ mặn năm 2022 đến muộn và kết thúc sớm hơn cùng kỳ năm 2021; thấp hơn cùng kỳ năm 2022 từ 3-15‰ tùy thời điểm và duy trì cao vào tháng 3 (cao nhất là 25‰ tại Trần Đề). Đến giữa tháng 4, độ mặn bắt đầu giảm dần và có xu hướng ngọt hóa từ tháng 5 thay vì tháng 6 như hằng năm. Hiện nay đang bắt đầu vào màu mưa, có những ngày mưa dầm kéo dài từ 3 đến 4 ngày. Thứ hai là dịch bệnh, hiện nay dịch bệnh trên tôm đang xảy ra cục bộ ở một số nơi, chủ yếu là bệnh phân trắng, bệnh vi bào tử trùng và bệnh gan tụy. Đây là những bệnh mà bà con nuôi tôm cần chủ động đề phòng thay vì để xảy ra bệnh mới tiến hành trị sẽ không hiệu quả. Thứ ba, về giá cả thị trường, tính từ đầu năm đến nay, so với cùng kỳ năm 2021 thì giá tôm ít biến động hơn, giá cả khá hợp lý so với quá trình đầu tư sản xuất của bà con.

    * Với những khó khăn, thách thức như đồng chí vừa thông tin, người nuôi cần chủ động các giải pháp nào để bảo vệ hiệu quả diện tích tôm nuôi còn đang trên đồng, thưa đồng chí?

    Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình: Hiện nay, trên đồng còn khoảng 27.000 ha tôm, diện tích chưa xuống giống là khoảng 25%. Đây là phần diện tích khá quan trọng đối với vụ nuôi của chúng ta. Chúng tôi khuyến cáo đối với những bà con chưa thả giống, cần chọn con giống ở những nơi có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn dịch bệnh để hạn chế tôm nhiễm bệnh vi bào tử trùng. Vào những ngày mưa dầm kéo dài, trời âm u, nhiệt độ xuống thấp, người nuôi cần chú ý điều chỉnh liều lượng thức ăn lại, khoảng từ 30 đến 50%. Riêng những ngày nhiệt độ chênh lệch hơn 100C, cần tăng cường mực nước ổn định trên 1 mét và phải duy trì khí oxy đạt tối thiểu là 5mlg/l. Đây là những yếu tố quan trọng, đảm bảo môi trường an toàn để tôm sinh trưởng và phát triển, hạn chế được khí độc.

    *  Thưa đồng chí, về phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung vào giải pháp trọng tâm nào để giữ vững đà tăng trưởng ngành tôm Sóc Trăng như những gì đã làm được trong những năm qua?


Kiểm tra tôm nuôi

 

    Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình: Về phía ngành chuyên môn, chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo, trước mặt là phát huy tiềm năng, lợi thế nguồn tôm giống tại chỗ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất giống tại tỉnh phát triển để cung ứng nguồn tôm giống đảm bảo chất lượng phục vụ phát triển nghề nuôi. Đồng thời, tiến hành liên kết với các tỉnh bạn để ký kết quy chế phối hợp nhằm kiểm soát rõ chất lượng tôm giống được nhập từ các tỉnh. Đối với công tác thanh tra chuyên ngành, Chi cục Thủy sản sẽ phối hợp với thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Chi cục Chăn  nuôi và Thú y để tăng cường kiểm tra, kiểm soát giống. Về công tác kiểm tra vật tư đầu vào, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng Cục Quản lý thị trường tiến hành  kiểm tra chất lượng cũng như giá cả vật tư đầu vào các mặt hàng phục vụ lĩnh vực nuôi trồng thủy sản để đảm bảo sản xuất của bà con đạt hiệu quả hơn. Công tác quan trắc cảnh báo môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản là một trong hoạt động không thể tách rời với nghề nuôi thủy sản, ngay từ đầu năm đơn vị đã tổ chức thu và đo nhanh thủy lý (nhiệt độ,, độ mặn, độ trong, độ kiềm, pH, DO) 2.668 mẫu tại 28 điểm đầu nguồn (trong đó có 16 điểm phục vụ cho vùng nuôi tôm nước lợ). Dựa trên kết quả đo đạc được, đơn vị sẽ đưa ra những khuyến cáo cho bà con, đồng thời kịp thời thông tin thêm về tình hình thời tiết trong tháng cũng như lịch thời vụ đến vùng nuôi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (trang web Sở Nông nghiêp và Phát triển nông thôn, zalo, email…). Bên cạnh đó, liên kết từ đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm là yếu tố then chốt mà chúng tôi đặc biệt chú trọng. Theo đó, đơn vị sẽ tham mưu cho lãnh đạo Sở thực hiện đối thoại với các doanh nghiệp lớn trên địa bàn để hình thành được vùng tôm nguyên liệu ổn định, tiến đến ký kết hợp đồng tiêu thụ, đảm bảo sự đồng nhất về chất lượng hàng hóa để phục vụ nhu cầu chế biến, xuất khẩu, tạo niềm tin tốt đối với các thị trường khó tính về chất lượng tôm của Việt Nam. Vì đây là chuỗi ngành hàng nên điều mà chúng tôi hết sức mong muốn là chúng ta phải có sự liên kết, hợp tác trên tinh thần các bên cùng có lợi để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, chia sẻ lợi ích để thúc đẩy ngành hàng này phát triển mạnh hơn, bền vững hơn.

    * Cảm ơn đồng chí đã dành thời gian cho buổi trao đổi hôm nay!

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 89
  • Hôm nay: 375
  • Trong tuần: 70,802
  • Tất cả: 11,802,809